Thiết kế nội thất phong cách tối giản là gì? Việc ứng dụng phong cách tối giản vào trong không gian sống ngày càng trở nên phổ biến hơn không chỉ vì tính tiện dụng mà còn nằm ở việc nâng cao giá trị tinh thần con người. Vậy phong cách tối giản là gì? Những đặc trưng nào cấu tạo nên một không gian tối giản? Cùng tham khảo những nội dung sau đây với chúng tôi để có câu trả lời cho những vấn đề trên cũng như hiểu thêm về nét đẹp đặc biệt trong phong cách này.
Phong cách tối giản là gì?
Phong cách tối giản – Minimalism còn được biết đến với tên gọi khác là phong cách tối thiểu. Bắt nguồn từ phong trào nghệ thuật phương Tây diễn ra từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, phong cách tối giản ngày càng được nhiều người biết đến và phát triển bứt phá hơn vào khoảng những năm 1960 -1970 của thế kỷ 20.
Ban đầu phong cách tối giản chỉ được thể hiện trong những tác phẩm điêu khắc sau đó lan ra nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó kiến trúc và nội thất được xem là 2 lĩnh vực mà minimalism phát triển mạnh nhất.
Phong cách tối giản trong kiến trúc
Nói đến cha đẻ của phong cách Minimalism trong lĩnh vực kiến trúc người ta thường nghĩ đến KTS đại tài người Đức Ludwig Mies van der Rohe. Kiến trúc tối giản luôn hướng đến giá trị của không gian, chú trọng yếu tố ánh sáng, đường nét hình học đơn giản, bất đối xứng thay cho những chi tiết phức tạp, rườm rà.
Phong cách tối giản trong thiết kế nội thất
Đến với phong cách nội thất tối giản bạn sẽ cảm nhận được tinh thần “less is more”. Các nội thất sử dụng trong phong cách này ngoài thiết kế cực kỳ đơn giản còn phải được bố trí càng ít càng tốt. Tuy nhiên ít ở đây có nghĩa là tiết chế các chi tiết dư thừa như đồ trang trí, nội thất không cần thiết và đảm bảo đầy đủ công năng phục vụ sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình.
Nguyên tắc cần nắm khi thiết kế theo phong cách nội thất tối giản
Có thể hình dung một không gian ít nội thất sẽ đi theo khuynh hướng tối giản. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, trên thực tế phong cách này vẫn có những nét đặc trưng để tạo nên sức hút riêng. Vậy làm thế nào để kiến tạo một không gian đậm chất Minimalism?
Hướng đến không gian đậm chất “Less is more”
“Less is more” – “ít là nhiều” chính là nguyên tắc bất hủ trong phong cách tối giản do kiến trúc sư Mies van der Rohe đề ra. Vận dụng câu nói này vào thiết kế nội thất sẽ được hiểu là càng đơn giản càng đẹp. Một tổng thể càng tối ưu số lượng chi tiết nội thất sẽ giúp không gian thêm phần rộng rãi. Hướng đến không gian đậm chất less is more chính là hướng đến giá trị tinh thần của con người, tạo nên một bầu không khí dễ chịu cho gia chủ, đồng thời có thể tăng phạm vi hoạt động nếu gia đình có trẻ em.
“Less is more” – nguyên tắc hàng đầu cần nhớ khi thiết kế nội thất tối giản
Tối ưu hóa không gian cùng phong cách tối giản
Hạn chế về màu sắc
Không chỉ hạn chế về mặt bố trí nội thất, đường nét, chi tiết trang trí phong cách tối giản còn bị hạn chế ở yếu tố màu sắc. Nếu những phong cách khác bạn có thể tạo điểm nhấn riêng biệt với những mảng màu nổi bật thì phong cách này hoàn toàn ngược lại. Tất cả màu sắc sử dụng trong Minimalism đều nằm trong những khuôn khổ và tiêu chuẩn nhất định. Từ màu tường, trần, sàn cho đến nội thất bên trong không nên sử dụng quá 4 màu trong cùng một khu vực, phối cảnh. Các KTS luôn cho rằng chỉ cần 3 màu: màu chủ đạo, màu nền và màu nhấn là đủ.
Thông thường, KTS sẽ sử dụng những gam màu trung tính làm màu tường – một phông nền hoàn hảo để nổi bật lên nội thất bên trong. Mặt khác, gam màu trung tính khi kết hợp cùng những đường nét thẳng, đơn giản sẽ giúp không gian thêm phần mềm mại, tinh tế. Gia chủ có thể dùng những tông màu như trắng, xám, đen, ghi… cho tổng thể minimalism.
Nói đến đây, có nhiều người sẽ nghĩ rằng không gian tối giản thật đơn điệu, nhàm chán tuy nhiên nếu biết tạo ra sự tương phản màu sắc thì sẽ rất khác biệt. Ở đây bạn có thể áp dụng nguyên tắc màu sắc đối lập vào đồ nội thất dựa trên màu tường để có được một không gian tuy đơn giản mà ấn tượng.
Chú trọng kết hợp yếu tố ánh sáng
Dù chọn lựa phong cách nào đi nữa thì ánh sáng luôn là một yếu tố không thể thiếu trong thiết kế nội thất nhà ở. Không chỉ đem đến một không gian sáng sủa, thoáng đãng, có lợi cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà ánh sáng còn giúp kích thích hiệu ứng về mặt thị giác, tôn lên vẻ đẹp căn nhà. Vậy nên, khi thiết kế nội thất tối giản gia chủ hãy chú ý tận dụng ánh sáng tự nhiên cũng như kết hợp thêm nguồn sáng nhân tạo ở những khu vực quan trọng.
Đồ nội thất, trang trí đơn giản
Trong không gian tối giản, người ta sẽ hạn chế tối đa những nội thất không cần thiết, chỉ để lại những nội thất cần có phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia chủ và các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, kiểu dáng nội thất cũng phải đáp ứng tính “tối giản”, đường nét gãy gọn cùng màu sắc trơn, đơn giản.
Các chi tiết trang trí cũng không thật sự cần thiết trong một không gian tối giản. Nếu muốn tạo sự chú ý, điểm nhấn cho một khu vực cụ thể trong nhà bạn cũng có thể sử dụng những bức tranh khổ lớn hay cây xanh trang trí. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ kỹ càng ít càng tốt, và những chi tiết trang trí ấy vẫn phải dựa trên tinh thần “tối giản” đã đặt ra.
Tường đơn giản
Nếu những phong cách khác thường ốp đá, ốp gỗ lên bề mặt tường để tạo sự thu hút và làm tăng tính sang trọng cho không gian thì tường trong phong cách tối giản hoàn toàn ngược lại. Đó đều là những bức tường nhẵn nhụi được phủ màu sơn và thường không có các chi tiết trang trí trên tường. Tuy nhiên nếu bạn muốn sử dụng thêm các phụ kiện như giấy dán tường hay tranh ảnh, đồ trang trí treo tường thì cũng phải thuộc lòng tiêu chí đơn giản hết mức có thể.
Đề cao giá trị tinh thần
Khi xã hội ngày một phát triển, nhu cầu con người ngày một tăng cao thì không gian nhà ở cũng ngày một chật hẹp hơn bởi những món đồ tinh tế, bắt mắt ngoài thị trường. giá trị thẩm mỹ ngày một tăng cao cũng đồng nghĩa người ta sẽ bớt chú ý hơn đến giá trị tinh thần. Do đó, những ai muốn tìm kiếm sự thư giãn, thoải mái khi trở về tổ ấm của mình thường sẽ ưu tiên những thiết kế theo hướng tối giản. Với một không gian rộng rãi cùng những món đồ thiết yếu sẽ giúp bạn tập trung hơn vào việc nghỉ ngơi của mình.
Lý do nên chọn thiết kế nhà ở theo phong cách tối giản
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn không biết có nên chọn phong cách tối giản để trang trí nhà ở hay không thì hãy tham khảo những lý do sau đây trước khi quyết định nhé!
Phù hợp với người bận rộn, người thích sự đơn giản
Nếu bạn là người thường xuyên bận rộn, sống độc thân hay không có quá nhiều thời gian rảnh thì phong cách này vô cùng phù hợp. Với bố cục đơn giản, gọn gàng công việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sẽ trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Tăng cường khả năng tập trung
Một không gian bày trí quá nhiều đồ vật từ nội thất cho đến đồ trang trí, trưng bày sẽ khiến bạn dễ bị phân tâm. Tình trạng này thường ảnh hưởng xấu đặc biệt trong lúc đang học tập, làm việc hoặc nghỉ ngơi. Vậy nên thiết kế nội thất theo phong cách tối giản sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Hướng đến giá trị không gian sống
Tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống chính là giá trị được ưu tiên hàng đầu khi thiết kế nội thất nhà ở. Đến với phong cách minimalism gia chủ sẽ cảm nhận được sự thư thái từ trong tâm hồn, để có thể khởi động một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Tiết kiệm ngân sách đầu tư
Không chỉ mang lại nhiều lợi ích về mặt tinh thần, phong cách tối giản còn phù hợp với các gia chủ có ngân sách đầu tư thấp. Với phong cách này bạn có thể điều tiết nguồn chi phí phù hợp với khả năng của mình mà vẫn tạo nên một không gian đậm chất “gu” riêng.
Tiết kiệm thời gian thi công, trang trí
Thời gian thiết kế thi công nội thất phong cách tối giản cũng diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều so với các phong cách khác.
Cách giúp không gian sống trở nên tối giản hơn
Không gian gọn gàng, sạch sẽ
Có rất nhiều cách để biến không gian trở nên tối giản, nếu đang băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu bạn hãy thử bỏ đi những vật dụng không cần thiết và sắp xếp lại không gian bên trong căn nhà của mình sao cho thật gọn gàng, ngăn nắp.
Bám sát tone màu của đồ nội thất
Bám sát vào gam màu nội thất sẵn có sẽ giúp bạn dễ chọn màu tường hơn. Ở giai đoạn này bạn cũng nên xem xét lại màu sắc nội thất đang sử dụng, tránh những màu sắc quá màu mè hay nổi bật làm mất đi tinh thần tối giản vốn có.
Phong cách tối giản – Minimalism style
Tạo sự hài hòa, cân bằng
Tối ưu hóa không gian một cách thiết thực và hợp lý bằng cách sắp xếp và dàn trải đồ dùng nội thất một cách thông minh và đồng đều, điều này sẽ giúp căn nhà của bạn được “lấp đầy” và không bị cảm giác trống trải. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ bớt các yếu tố dư thừa để tinh gọn không gian tạo cho không gian trở nên thoáng đãng hơn, kết hợp với ánh sáng tự nhiên để các gam màu trong nhà hài hòa như một bức tranh trừu tượng.
Tạo điểm nhấn chính
Tuy nhiên phong cách tối giản không phải là sự đơn điệu và nhạt nhòa, mà nó là một kiệt tác nghệ thuật giúp người nhìn tập trung được hơn vào điểm chính. Vậy nên đừng quên tạo điểm nhấn cho căn phòng của mình bằng những vật dụng nội thất như một chiếc ghế sofa, một chiếc bàn cà phê kiểu dáng hoặc một chiếc thảm làm điểm nổi trên sàn nhà của mình. Việc nhấn nhá thêm chút màu sắc, kiểu dáng khác biệt như thế sẽ khiến căn nhà trở nên độc đáo và có sức sống hơn.
Nét vẽ đơn giản trên tường tạo điểm nhấn ấn tượng cho khu vực phòng khách
Chúng tôi vừa giới thiệu đến bạn những đặc trưng của phong cách tối giản cũng như cách kiến tạo nên một không gian đậm chất tối giản. Chúc các bạn tìm được phương án thiết kế phù hợp với căn hộ của mình.
Phong cách tối giản thời trang, Phong cách tối giản Nhật Bản, phong cách thiết kế tối giản hiện đại (minimalist), Phong cách tối giản là gì, Phong cách minimalism nữ, Phong cách thiết kế tối giản, Phong cách tối giản trong thiết kế đồ họa, Kiến trúc tối giản ở Việt Nam